Giải pháp tự động hóa RPA trong quy trình của doanh nghiệp
Tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation – RPA) dần trở thành giải pháp công nghệ chiến lược, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số dự báo về công nghệ RPA năm 2024, giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh về một số công nghệ và xu hướng nổi bật có khả năng định hình lại RPA trong những năm tới.
Giải pháp RPA là gì?
RPA (Robotic Process Automation) là công nghệ phần mềm mô phỏng hành vi con người trong thực hiện tác vụ. RPA hoạt động trên giao diện người dùng, phần mềm và trình duyệt. Lập trình viên xây dựng quy trình để bot mô phỏng tương tác giữa các hệ thống thông qua giao diện đồ họa người dùng (GUI).
Robot phần mềm thực hiện tác vụ nhanh chóng, đạt độ chính xác 100% và ổn định hơn con người. Tuy nhiên, trong các tình huống phức tạp hoặc lỗi xảy ra, người dùng vẫn có thể can thiệp và xử lý.
Một hệ thống RPA cần thiết phải có đủ 3 tiêu chí thiết yếu sau:
- Giao tiếp với các hệ thống khác để loại bỏ màn hình hoặc tích hợp API – Application Programming Interface (Giao diện lập trình ứng dụng)
- Có khả năng ra quyết định
- Được tích hợp giao diện lập trình bot.
Ứng dụng RPA không phân biệt quy mô hay loại hình doanh nghiệp mà phù hợp triển khai cho các công việc có đặc tính sau:
- Có tính quy luật
- Dễ xuất hiện sai sót
- Làm việc với nhiều dữ liệu số
- Dựa trên quy tắc riêng của từng doanh nghiệp
- Có tính khắt khe về thời gian và theo thời vụ…
Xu hướng định hình công nghệ RPA năm 2024
1. Tự động hóa thông minh
Tự động hóa thông minh – Intelligent Automation (IA) là sự phát triển tiếp theo của RPA, dự kiến sẽ trỗi dậy trong những năm sắp tới. Tích hợp khả năng mô phỏng tư duy con người dựa trên Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), bao gồm Machine Learning (ML), Thị giác máy tính (computer vision) và Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên (Natural Language Processing – NLP), giải pháp tiên tiến này cho phép tự động hóa các nhiệm vụ phức tạp hơn, thúc đẩy quy trình tự động hóa đầu cuối và hướng tới chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp.
Vào năm 2024, Intelligent Automation (IA) dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi trong các ngành bảo hiểm, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
2. RPA trên nền tảng đám mây
Theo dự đoán của Gartner, việc đưa các giải pháp RPA lên nền tảng đám mây sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong năm 2024. Việc áp dụng RPA trên đám mây mang đến nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, trong đó có sự dễ dàng trong triển khai. Doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai bot và quản lý các dự án tự động hóa, điều chỉnh quy mô triển khai tự động hóa một cách dễ dàng mà không cần phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ phức tạp và chi phí bảo trì cao. Ngoài ra, RPA trên nền tảng đám mây cung cấp khả năng mở rộng quy mô tự động hóa một cách linh hoạt, đặc biệt là khi các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng trong môi trường thị trường thay đổi liên tục.
3. Nền tảng Low-code và No-code
Trong năm 2024, nền tảng low-code và no-code dự kiến sẽ tiếp tục phát triển đáng kể. Những công cụ này cho phép người dùng không cần kiến thức sâu về lập trình có thể xây dựng ứng dụng thông qua giao diện trực quan và tính năng kéo và thả.
Doanh nghiệp sẽ có lợi thế khi ứng dụng nền tảng RPA low-code và no-code để thay đổi linh hoạt theo xu hướng chuyển đổi số. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quy trình tự động hóa tinh gọn, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận tự động hóa. Đồng thời, những nền tảng này cũng mang lại lợi ích về khả năng bảo trì so với công cụ RPA truyền thống, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tài nguyên và chi phí.
Theo IDC, vào năm 2024, dự kiến 30% giải pháp RPA sẽ được triển khai bằng sự hỗ trợ của nền tảng no-code, cho thấy sự phổ biến ngày càng tăng của công cụ này trong lĩnh vực tự động hóa.
4. Lập trình viên công dân
Sự phát triển của RPA low-code và no-code đã tạo ra một cơ sở cho việc phát triển lập trình viên công dân – những người không có kiến thức lập trình chuyên sâu nhưng có khả năng sử dụng nền tảng low-code và no-code để tạo ứng dụng RPA phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Trên các nền tảng này với giao diện đồ họa thân thiện, lập trình viên công dân chỉ cần kéo và thả các khối chức năng đã được lập trình sẵn để xây dựng quy trình nghiệp vụ. Điều này tạo điều kiện cho tiềm năng chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh chóng với các yêu cầu thay đổi từ thị trường và khách hàng.
5. Sự đồng hành giữa con người và máy
Năm 2024 đánh dấu mở ra nhiều cơ hội cho sự đồng hành giữa con người và bot. Sự tự động hóa tuyệt vời của bot RPA được tận dụng để tối ưu hóa các nhiệm vụ trước đây chỉ được thực hiện bởi con người, giúp con người có thời gian nhiều hơn để thực hiện các hoạt động cao cấp khác.
Bằng cách tận dụng sự hợp tác hiệu quả giữa con người và bot, doanh nghiệp có thể tăng cường hiệu suất, chất lượng công việc, tái thiết quy trình kinh doanh và thúc đẩy môi trường làm việc sáng tạo.
Kết luận
Ứng dụng RPA đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến quy trình và thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực. Trên nền tảng sự phát triển không ngừng của RPA, năm 2024 tiếp tục mang đến nhiều đổi mới trong lĩnh vực tự động hóa. Theo Gartner, thị trường RPA vẫn đạt tăng trưởng ở mức hai chữ số và dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới. Nghiên cứu của Global Market Insights, Inc. cũng dự báo rằng vào năm 2024, quy mô thị trường RPA sẽ vượt qua con số 5 tỷ USD. Động lực tăng trưởng của giải pháp công nghệ này nằm ở khả năng thúc đẩy chất lượng, hiệu suất và tính linh hoạt của các doanh nghiệp.